Loading...
Kế toán thiên ưng
Dạy hết sức - Học hết mình - nâng trình kế toán
Công ty kế toán Thiên Ưng
Dạy hết sức - Học hết mình - nâng trình kế toán
Học làm kế toán tổng hợp
Học kế toán thuế thực tế
Học phần mềm kế toán Fast - Misa
Học kế toán trên Excel thực tế
Thuế Thu Nhập Cá Nhân
Kế Toán Thiên Ưng
Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2024 mới nhất

Để tính thuế TNCN cho năm 2024, kế toán cần quan tâm đến các thông tư hướng dẫn về thuế TNCN sau: Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 92/2015/TT-BTC và Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về việc nâng mức giảm trừ bản thân và người phụ thuộc

Thời điểm tính thuế TNCN: Là thời điểm chi trả thu nhập.

Ví dụ: Tiền lương của tháng 12/2023 vào tháng 1 năm 2024 thì tính vào thu nhập chịu thuế của tháng 1 năm 2024 (Khi quyết toán thuế TNCN cũng tính vào năm 2024)

Cách tính thuế TNCN

I. Đối với các nhân cư trú:

1. Cách tính thuế TNCN với nhân viên ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên:

Các nhân viên ký Hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì thực hiện tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần theo công thức sau:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế  X Thuế suất (4)
 
Thu nhập tính thuế  = thu nhập chịu thuế  - Các khoản giảm trừ (3)
Trong đó:
Thu nhập chịu thuế  = Tổng lương nhận được (1) - Các khoản được miễn thuế (2)

Sau đây, Kế Toán Thiên Ưng sẽ hướng dẫn các bạn xác định từng khoản trong công thức tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến nêu trên:
(1) Tổng lương nhận được:
Là toàn bộ các khoản thu nhập người lao động nhận được trong kỳ (tháng) tính thuế.
Gồm có: Lương + phụ cấp và các khoản bổ sung khác. (bao gồm cả tiền thưởng lễ tết như lương tháng thứ 13, hay 30/4, 1/5, 2/9... trả vào tháng nào thì tính vào thu nhập chịu thuế của tháng đó). 
(2) Các khoản được miễn thuế:
- Tiền phụ cấp ăn trưa, giữa ca: 
+ Nếu Doanh nghiệp tổ chức bữa ăn (tự nấu ăn) hay mua suất ăn, cấp phiếu ăn thì được Miễn hết (không bị giới hạn).
Nếu phụ cấp vào tiền lương (chi bằng tiền): thì được miễn tối đa 730.000 đồng/người/tháng  
=> Nếu mức chi cao hơn 730.000 thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
Ví dụ: Công ty Thiên Ưng không tổ chức nấu ăn mà phụ cấp tiền ăn vào bảng lương hàng tháng. 
Tháng 3/2024, Nhân viên A được phụ cấp tiền ăn trưa là 900.000
Thì: được miễn 730.000. Còn 170.000 còn lại sẽ phải tính thuế TNCN
+ Chi bằng cả 2 hình thức cùng lúc: Theo Công văn số 4767/TCT-DNNCN ngày 20/11/2019 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế TNCN đối với khoản tiền ăn giữa ca cho người lao động: trường hợp Công ty vừa tổ chức bữa ăn giữa ca dưới hình thức trực tiếp nấu ăn, vừa chi bằng tiền mặt tối đa không quá hạn mức 730.000 đồng/người/tháng thì cũng được miễn thuế TNCN.
- Phụ cấp điện thoại: Được miễn theo mức khoán chi đã quy định của công ty.
Công ty Thiên Ưng quy đnh: Nhân viên kinh doanh được phụ cấp tiền điện thoại theo mức khoán chi là 500.000/tháng.
Trong tháng 3/2024, phát sinh thu nhập của 2 nhân viên kinh doanh C và D như sau:
+ Nhân viên C được nhận phụ cấp điện thoại là 450.000
=> Khi tính thuế TNCN anh C được miễn hết khoản tiền điện thoại 450.000 này.
+ Nhân viên D được nhận phụ cấp điện thoại là 550.000
=> Khi tính thuế TNCN anh D được miễn khoản tiền điện thoại 500.000.
Còn 50.000 được nhận cao hơn quy định sẽ vào cộng vào để tính thuế.
(Tham khảo tại các công văn: Công văn 1166/TCT-TNCN/ Công văn 5023/TCT-TNCN)
Công văn số 45/TCT-TNCN ngày 4/1/2018 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế TNCN đối với các khoản khoán chi tiền điện thoại 
- Tiền phụ cấp trang phục:
+ Nếu nhận được bằng tiền: Miễn tối đa 5 triệu/người/năm
+ Nếu nhận được bằng hiện vật: Miễn toàn bộ
+ Nếu vừa nhận được tiền vừa nhận được hiện vật: thì phần nhận được bằng hiện vật không bị tính thuế còn phần tiền vẫn bị khống chế 5 triệu/năm.
Ví dụ: Trong năm 2024, anh Hòa được công ty Thiên Ưng phụ cấp trang phục như sau:
+ Tháng 1/2024: Được phụ cấp 3 triệu bằng tiền mặt
=> Vì chưa quá 5 triệu nên tại tháng 1/2024 anh Hòa được miễn thuế TNCN hết số tiền 3 triệu
+ Tháng 3/2024: Được phụ cấp 4 triệu bằng tiền mặt và 6 triệu bằng hiện vật.
=> Tổng số tiền phụ cấp trang phụ bằng tiền mặt trong năm 2024 của anh Hòa là: 3 triệu + 4 triệu = 7 triệu (vượt quá 5 triệu) => Số tiền vượt: 7 triệu - 5 triệu = 2 triệu tiền mặt sẽ bị cộng vào thu nhập tính thuế tại tháng 3/2024. Còn 6 triệu bằng hiện vật vẫn được miễn.
- Tiền làm thêm giờ ban đêm, làm thêm giờ cao hơn so với làm việc ban ngày, giờ hành chính: Sẽ được miễn phần cao hơn
Ví dụ: Lương thời gian làm việc hành chính của chị Minh là 10.000.000/tháng (Tính cho 25 ngày/tháng và 8h/1 ngày)
=> Lương 1h hành chính của chị Minh là: 10.000.000/25/8 = 50.000/giờ
+ Chị Minh là thêm 1 giờ vào ngày nghỉ hàng tuần được trả 200% tiền lương là: 50.000 x 200% = 100.000
Trong 100.000 nhận được do làm thêm giờ này có:
+ Mức cao hơn giờ làm việc hành chính là: 100.000 - 50.000 = 50.000 ĐƯỢC MIỄN THUẾ
+ 50.000 còn lại vẫn phải cộng vào thu nhập chịu thuế để tính thuế TNCN
Kế Toán Thiên Ưng mời các bạn tham khảo thêm:
Cách tính tiền lương làm thêm giờ: ban đêm, ngày lễ
- Các khoản phúc lợi: 
+ Khoản tiền nhận được do đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động được miễn theo quy định chung của DN và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
(Theo khoản 5 điều 11 của TT 92/2015/TT-BTC).
Đối với các khoản chi trực tiếp cho người lao động, Công ty phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân để tính thuế thu nhập cá nhân.
(Theo CV 34440/CT-HTr của Cục thuế TP Hà Nội)
 - Về khoản tiền công tác phí: Trường hợp các khoản thanh toán tiền công tác phí như tiền vé máy bay, tiền lưu trú, tiền taxi và tiền ăn của các cá nhân đi công tác được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thì các khoản thanh toán tiền công tác phí này là khoản thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
(Theo Công văn 1166/TCT-TNCN của Tổng Cục Thuế)
- Khoản tiền thuê nhà được người lao động trả thay: được miễn phần vượt quá 15%
Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả thay nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có)) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.
Ví dụ 1: Tháng 1/2024, anh Mạnh có tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) là 10 triệu và anh được trả thay tiền thuê nhà là 1 triệu
Xác định: 15% của tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) là: 15% x 10 triệu = 1,5 triệu
Vì số tiền thuê nhà được trả thay là 1 triệu < 15% của tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) là 1,5 triệu => Khoản tiền 1 triệu tiền thuê nhà được trả thay này sẽ bị cộng hết vào thu nhập chịu thuế của tháng 1/2024 để tính thuế (không được miễn phần nào)
Ví dụ 2: Tháng 2/2024, anh Mạnh có tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) là 10 triệu và anh được trả thay tiền thuê nhà là 2 triệu
Xác định: 15% của tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) là: 15% x 10 triệu = 1,5 triệu
Vì số tiền thuê nhà được trả thay là 2 triệu > 15% của tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) là 1,5 triệu => Khoản tiền vượt quá 15% là: 2 triệu - 1,5 triệu = 0,5 triệu sẽ được miễn thuế TNCN
(Vậy là trong 2 triệu tiền thuê nhà được trả thay có: 0,5 triệu được miễn thuế, còn 1,5 triệu bị cộng vào để tính thuế TNCN vào tháng 2/2024)
 
Ngoài ra còn rất nhiều khoản thu nhập được miễn thuế khác nữa, các bạn vui lòng tham khảo tại đây: 

* Riêng khoản phụ cấp xăng xe, chi phí đi lại:
Theo Công văn số 2192/TCT-TNCN của Tổng Cục Thuế về khoản khoán chi xăng xe theo mức cố định hàng tháng cho nhân viên 
Theo đó: chi phí xăng xe cho người lao động theo mức cố định hàng tháng để phục vụ cho việc đi lại của cá nhân, không phải đi công tác thì khoản khoán chi phí xăng xe này không được miễn thuế TNCN.
Tức là:
+ Nếu phụ cấp xăng xe, chi phí đi lại thuộc về công tác phí thì được Miễn thuế TNCN
+ Còn nếu khoản tiền phụ cấp xăng xe, phụ cấp đi lại được hưởng cố định hàng tháng trên bảng lương thì khi nhận khoản tiền này sẽ bị tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN (tức là không được miễn thuế)
Theo Công văn số 90748/CT-TTHT ngày 4/12/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế TNCN thì trường hợp người lao động nhận được khoản trợ cấp tiền đi lại từ nhà đến nơi làm việc thì đây là các khoản thu nhập phải chịu thuế TNCN
Hiện nay, tại điểm đ.5 khoản 4 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC miễn thuế TNCN đối với khoản chi cho phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nhà đến nơi làm việc.
(3) Các khoản giảm trừ được quy định tại điều 9 thông tư 111/2013/TT-BCTC như sau:
- Giảm trừ gia cảnh: gồm có bản thân và người phụ thuộc
+ Bản thân người nộp thuế (người lao động có thu nhập): được giảm 11 triệu/người/tháng
* Lưu ý:
+/ Khoản giảm trừ bản thân 11 triệu này không cần phải đăng ký.
+/ Nếu người lao động làm việc tại nhiều nơi thì chỉ được lựa chọn 1 nơi để tính giảm trừ bản thân.
+ Người phụ thuộc: được giảm 4,4 triệu/người/tháng
* Lưu ý:
+/ Phải được đăng ký với Thuế. Xem thêm: thủ tục đăng ký người phụ thuộc)
+/ Người phụ thuộc là người mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng (con, bố mẹ...).
Để biết người phụ thuộc gồm những ai, cần có điều kiện gì thì mời các bạn tìm hiểu tại đây:
* Nguyên tắc tính giảm trừ người phụ thuộc:
+/ Một người nộp thuế có thể đăng ký nhiều người phụ thuộc
+/ Một người phụ thuộc chỉ được giảm trừ cho 1 người nộp thuế trong 1 năm tính thuế.
+/ Nếu nhiều người (vợ và chồng) có chung 1 người phụ thuộc (con) thì được tự thỏa thuận để 1 người đăng ký lấy giảm trừ.
+/ Không bắt buộc đăng ký giảm trừ người phụ thuộc tại nơi lấy giảm trừ bản thân. Ví dụ lấy giảm trừ bản thân tại công ty A thì vẫn có thể đăng ký NPT tại công ty B.
+/ Đăng ký từ tháng nào được giảm trừ từ tháng đó, những đến cuối năm khi quyết toán được tính từ khi phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Các khoản bảo hiểm đang tham gia: BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ được giảm trừ khi tính thuế TNCN.
 
- Nếu trong kỳ người nộp thuế đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học thì cũng được trừ nhưng phải có giấy chứng nhận của các tổ chức.

(4) Thuế suất để tính thuế thu nhập cá nhân là thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần, tức là tính theo từng Bậc thu nhập, mỗi bậc thu nhập có một mức thuế suất tương ứng.
Được quy định rõ tại khoản 2 điều 7 và Phụ lục: 01/PL-TNCN như sau:
Bậc
Thu nhập tính thuế /tháng
Thuế suất
Tính số thuế phải nộp
Cách 1
Cách 2
1
Đến 5 triệu đồng (trđ)
5%
0 trđ + 5% TNTT
5% TNTT
2
Trên 5 trđ đến 10 trđ
10%
0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ
10% TNTT - 0,25 trđ
3
Trên 10 trđ đến 18 trđ
15%
0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ
15% TNTT - 0,75 trđ
4
Trên 18 trđ đến 32 trđ
20%
1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ
20% TNTT - 1,65 trđ
5
Trên 32 trđ đến 52 trđ
25%
4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ
25% TNTT - 3,25 trđ
6
Trên 52 trđ đến 80 trđ
30%
9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ
30 % TNTT - 5,85 trđ
7
Trên 80 trđ
35%
18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ
35% TNTT - 9,85 trđ
 
thuế TNCN

Để cho các bạn kế toán mới tiếp xúc với thuế TNCN dễ hình dung, Kế Toán Thiên Ưng sẽ tóm tắt lại các bước tính thuế TNCN như sau:

Các công thức tính thuế TNCN cần nhớ:
1. Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế X Thuế suất (1)
2. Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - các khoản giảm trừ (2)
3. Thu nhập chịu thuế = Tổng lương nhận được - các khoản được miễn thuế (3)
Các bước thực hiện khi tính thuế TNCN:
Bước 1: Tính tổng thu nhập: trong tháng người lao động được trả bao nhiêu khoản các bạn cộng hết vào.
Bước 2: Xác định các khoản được Miên thuế TNCN (nằm ở các khoản phụ cấp => các bạn xác định xem những khoản nào được Miến thuế, mức miễn cụ thể từng khoản)
=> Tổng hợp được bước 1 và bước 2 là chúng ta xác định được thu nhập chịu thuế của cá nhân đó. (công thức 3)
Bước 3: Xác định các khoản giảm trừ: Mỗi người chỉ được giảm trừ 1 nơi nên nếu có NLĐ ký từ 2 nơi trở lên mà các nơi đều từ 3 tháng thì người này phải lựa chọn 1 nơi để được tính giảm trừ. Các nơi còn lại không được giảm trừ nữa.
+ Bản thân: tính mức 11 triệu (Không phải đăng ký)
+ Người phụ thuộc: Nếu NLĐ có đăng ký người phụ thuộc thì các bạn xác định số người phụ thuộc của lao động đó rồi nhân với 4,4tr/người
Bước 4: Tính thu nhập tính thuế - công thức 2
+ TH1: Thu nhập tính thuế ra âm => NLĐ này có thu nhập chưa đến mức phải đóng thuế
=> NLĐ không bị khấu trừ thuế TNCN.
+ TH2: Thu nhấp tính thuế ra dương => tiến hành tính số thuế TNCN phải nộp theo bước 5.
Bước 5: Tính ra số thuế TNCN phải nộp
Sau khi các bạn tính ra được số tiền thu nhập tính thuế dương tại bước 4. Chúng ta sẽ đối chiếu thu nhập tính thuế đó vào bảng thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần để xác định bậc thuế hay công thức tính ra số thuế TNCN phải nộp.
Ví dụ: Các bạn tính ra thu nhập tính của Nhân viên A là 7 triệu. Chúng ta nhìn vào bảng thuế suất thấy: 7 triệu thuộc bậc 2 (cho TNTT từ 5 đến 10 triệu) => dóng sang ngang là chúng ta xác định được công thức tính (các bạn lấy theo công thức ở cách 1 hay cách 2 trên bảng tính đều được)
giả định, Kế toán Thiên Ưng lựa chọn các tính theo cách 2 thì công thức là: 10% * TNTT - 0,25 trđ 
Sau khi xác định được công thức chúng ta đưa Thu nhập tính thuế vào công thức là ra được số thuế TNCN phải nộp của người đó.
Thuế TNCN phải nộp của nhân viên A = 10% * 7.000.000 - 250.000 = 450.000
 
tính thuế TNCN 2016

Để các bạn hiểu rõ hơn về cách tính thuế TNCN của 1 cá nhân cụ thể. Kế Toán Thiên Ưng sẽ hướng dẫn cách bạn cách tính qua 1 ví dụ cụ thể sau: 

Ví dụ: Bà Bắc ký hợp đồng lao động 1 năm ở Công ty Kế toán Thiên Ưng, tháng 1 năm 2024 bà Bắc nhận được các khoản thu nhập như sau:
+ Lương theo ngày công làm việc thực tế: 23.000.000
+ Phụ cấp ăn trưa: 800.000
+ Phụ cấp điện thoại 300.000
+ Bà nhận được 7.500.000 tiền thưởng
 vào tháng 1 năm 2024.
Bà Bắc đóng các khoản bảo hiểm theo lương: 23 triệu.
BHXH
BHYT
BHTN
Tổng
23.000.000 X 8%
23.000.000 X 1,5%
23.000.000 X 1%
2.415.000
 Chi tiết xem tại đây: Mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024
- Bà Bắc có 2 con nhỏ và đã đăng ký người phụ thuộc tại Công ty Kế toán Thiên Ưng.

Tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp của Bắc trong tháng 1 năm 2024


1. Xác định thu nhập chịu thuế của Bà Bắc:
Tổng thu nhập của Bà Bắc trong tháng 1/2024 là:
 23.000.000 + 800.000 + 300.000 + 7.500.000 = 31.600.000
Trong số đó bà Bắc được Mi
ễn:
- Tiền phụ cấp điện thoại: 300.000
- Tiền phụ cấp ăn trưa theo quy định
 được miễn tối đa
 là 730.000 ( vậy là trong số 800.000 bà Bắc nhận được thì bà chỉ được Miễn
 730.000 còn 70.000 phải chịu thuế
 Vậy thu nhập chịu thuế của Bà Bắc là:
31.600.000 – 300.000 – 730.000 = 30.570.000
     
 2. Các khoản được giảm trừ:  
- Bản thân bà Bắc: 11.000.000
- Người phụ thuộc : 2 con là: 2  X  4.400.000 = 8.800.000
- Tiền đóng bảo hiểm: 2.415.000
=> Tổng các khoản được giảm trừ là: 11.000.000 + 8.800.000 + 2.415.000 = 22.215.000
   
 3. Thu nhập tính thuế của Bà Bắc là:

 Thu nhập tính thuế = thu nhập chịu thuế - các khoản giảm trừ
                                          30.570.000     –      22.215.000      =  8.355.000
Bây giờ chúng ta sẽ tính số thuế thu nhập cá nhân phải nộp của Bà Bắc qua việc đưa thu nhập tính thuế 8.355.000 vào trong bảng tính thuế theo lũy tiến từng phần ở bên trên:

 Tính theo cách 2 ở bảng Phụ lục: 01/PL-TNCN cho nhanh hơn nhé:
Ta thấy Thu nhập tính thuế TNCN của bà Bắc là 8.355.000 thuộc BẬC 2 trong biểu thuế suất, và có cách tính là: 10% * TNTT - 0,25 trđ
=> Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp của bà Bắc trong tháng 1 năm 2024 là:
10% X 8.355.000 – 250.000 = 585.500 

2. Cách tính thuế TNCN với nhân viên ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng:

- Khấu trừ 10%: Dành cho không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư 111) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (Cam kết 08/CK-TNCN) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
(Mẫu số: 08/CK-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC)
(Người làm cam kết 08 bắt buộc phải có MST tại thời điểm làm cam kết nhé)
Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.
Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
Chi tiết về cách tính và ví dụ các bạn xem tại đây:
 Cách tính thuế TNCN đối với lao động thử việc - thời vụ 

 
3. Lưu ý:
- Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.
- Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
Theo điểm b, khoản 1, điều 25 của Thông tư 111/2013/TT-BTC
II. Đối với các nhân cư trú:
- Khấu trừ 20%: Dành cho cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (×) với thuế suất 20%.
 
Mẫu bảng tính thuế TNCN mới nhất năm 2024
 
(Mẫu bảng tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động hàng tháng)

Có chỗ nào chưa hiểu các bạn cứ để lại comment, Kế Toán Thiên Ưng sẽ giải đáp cụ thể.
Bình chọn bài viết
Xem kết quả: / 778 số bình chọn
Bình thường Tuyệt vời
Chia sẻ bạn bè
Giảm 25% học phí khóa học kế toán online
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Mẫu 05-ĐK-TCT tờ khai đăng ký thuế TNCN (Theo TT 105/2020/TT-BTC)
Mẫu số: 05-ĐK-TCT Ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC là mẫu tờ khai đăng ký MST thuế TNCN mới nhất ...
Cách xử lý: Trùng số Chứng Minh Thư nhân dân khi đăng ký Mã Số Thuế TNCN 2021
Hướng dẫn cách xử lý trường hợp trùng số Chứng minh nhân dân khi đăng ký mã số thuế TNCN vào năm 2021
Mẫu 20-ĐK-TCT theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC
Mẫu 20-ĐK-TCT theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC là mẫu tờ khai đăng ký người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh khi...
Công văn 636/TCT-DNNCN hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2021
Ngày 12/3/2021, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 636/TCT-DNNCN hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (thuế...
Mẫu 07/ĐK-NPT-TNCN Đăng ký người phụ thuộc theo thông tư 80/2021/TT-BTC
Mẫu 07/ĐK-NPT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC là tờ khai đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gi...
Mẫu 07/THĐK-NPT-TNCN tờ khai đăng ký NPT theo Thông tư 80/2021/TT-BTC
Mẫu 07/THĐK-NPT-TNCN là tờ khai đăng ký NPT theo Thông tư 80/2021/TT-BTC Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả ...
Hotline : 0987 026 515
.
Email: ketoanthienung@gmail.com
Giới thiệu về thiên ưng
Đang trực tuyến: 43
Tổng truy cập: 128.125.840

KẾ TOÁN THIÊN ƯNG

Hotline: 0987 026 515

Email: hotroketoan68@gmail.com

KẾ TOÁN THIÊN ƯNG DMCA.com
HÀ NỘI: Có 5 cơ sở
CS1:  Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội. 
CS2:  Định Công - Phương Liệt - Thanh Xuân - Hà Nội
CS3: Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
CS4: Nguyễn Văn Linh - Sài Đồng - Long Biên
CS5: Trần Phú - Mộ Lao - Hà Đông - Hà Nội. 
 
HỒ CHÍ MINH: Có 2 cơ sở
CS6:  Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP. HCM
CS7:  Phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TP. HCM
   

 
 
Giảm giá 25% học phí khóa học thực hành kế toán
Giảm giá 25% học phí khóa học thực hành kế toán
Công ty kế toán Thiên Ưng - thương hiệu tin dùng
[X] Đóng lại













chương trình khuyến mại