Loading...
Kế toán thiên ưng
Dạy hết sức - Học hết mình - nâng trình kế toán
Công ty kế toán Thiên Ưng
Dạy hết sức - Học hết mình - nâng trình kế toán
Học làm kế toán tổng hợp
Học kế toán thuế thực tế
Học phần mềm kế toán Fast - Misa
Học kế toán trên Excel thực tế
Sổ Sách - Báo Cáo theo TT 133
Kế Toán Thiên Ưng
Báo cáo tài chính theo thông tư 133/2016/TT-BTC

Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. 

Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:
a) Tài sản;
b) Nợ phải trả;
c) Vốn chủ sở hữu;
d) Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;
đ) Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh.
- Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày Báo cáo tài chính.
Báo cáo tài chính theo thông tư 133/2016/TT-BTC

1. Đối tượng áp dụng, trách nhiệm lập và chữ ký trên báo cáo tài chính
-  Đối tượng lập Báo cáo tài chính năm:
Hệ thống Báo cáo tài chính năm ban hành theo Thông tư 133/2016/TT-BTC được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thuộc mọi lĩnh vực, 123 mọi thành phần kinh tế trong cả nước.
-  Việc ký Báo cáo tài chính phải thực hiện theo quy định của Luật Kế toán. Trường hợp doanh nghiệp không tự lập Báo cáo tài chính mà thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán lập Báo cáo tài chính, người hành nghề thuộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán phải ký và ghi rõ số giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, tên đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán trên báo cáo tài chính của đơn vị.
2. Hệ thống báo cáo tài chính
2.1. Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng giả định hoạt động liên tục bao gồm:
a) Báo cáo bắt buộc:

- Báo cáo tình hình tài chính Mẫu số B01a - DNN
Chi tiết về cách lập Kế Toán Thiên Ưng mời các bạn tham khảo tại đây:
Cách lập báo cáo tình hình tài chính Mẫu B01a - DNN
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02 - DNN
Chi tiết về cách lập Kế Toán Thiên Ưng mời các bạn tham khảo tại đây:
Cách lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu B02 - DNN
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B09 - DNN
Chi tiết về cách lập Kế Toán Thiên Ưng mời các bạn tham khảo tại đây:
Cách lập Thuyết minh báo cáo tài chính Mẫu B09 - DNN
Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, doanh nghiệp có thể lựa chọn lập Báo cáo tình hình tài chính theo Mẫu số B01b - DNN thay cho Mẫu số B01a - DNN.
Báo cáo tài chính gửi cho cơ quan thuế phải lập và gửi thêm Bảng cân đối tài khoản (Mẫu số F01 - DNN).
b) Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập:

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B03 - DNN
Chi tiết về cách lập Kế Toán Thiên Ưng mời các bạn tham khảo tại đây:
Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu B03 - DNN
2.2. Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng giả định hoạt động liên tục bao gồm:
a) Báo cáo bắt buộc:

- Báo cáo tình hình tài chính Mẫu số B01 - DNNKLT
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02 - DNN
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B09 - DNNKLT
b) Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập:
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B03 - DNN
2.3. Hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ bao gồm:
- Báo cáo tình hình tài chính Mẫu số B01 - DNSN
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02 - DNSN
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B09 - DNSN
Khi lập báo cáo tài chính, các doanh nghiệp phải tuân thủ biểu mẫu báo cáo tài chính theo quy định. Trong quá trình áp dụng, nếu thấy cần thiết, các doanh nghiệp có thể sửa đổi, bổ sung báo cáo tài chính cho phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp nhưng phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể lập thêm các báo cáo khác để phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
2.4. Nội dung, phương pháp lập và trình bày các chỉ tiêu trong từng báo cáo được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Yêu cầu đối với thông tin trình bày trong Báo cáo tài chính
3.1. Thông tin trình bày trên báo cáo tài chính phải đầy đủ, khách quan, không có sai sót để phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thông tin được coi là đầy đủ khi bao gồm tất cả các thông tin cần thiết để giúp người sử dụng báo cáo tài chính hiểu được bản chất, hình thức và rủi ro của các giao dịch và sự kiện. Đối với một số khoản mục, việc trình bày đầy đủ còn phải mô tả thêm các thông tin về chất lượng, các yếu tố và tình huống có thể ảnh hưởng tới chất lượng và bản chất của khoản mục.
- Trình bày khách quan là không thiên vị khi lựa chọn hoặc mô tả các thông tin tài chính. Trình bày khách quan phải đảm bảo tính trung lập, không chú trọng, nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ cũng như có các thao tác khác làm thay đổi mức độ ảnh hưởng của thông tin tài chính là có lợi hoặc không có lợi cho người sử dụng Báo cáo tài chính.
- Không sai sót có nghĩa là không có sự bỏ sót trong việc mô tả hiện tượng và không có sai sót trong quá trình cung cấp các thông tin báo cáo được lựa chọn và áp dụng. Không sai sót không có nghĩa là hoàn toàn chính xác trong tất cả các khía cạnh, ví dụ, việc ước tính các loại giá cả và giá trị không quan sát được khó xác định là chính xác hay không chính xác. Việc trình bày một ước tính được coi là trung thực nếu giá trị ước tính được mô tả rõ ràng, bản chất và các hạn chế của quá trình ước tính được giải thích và không có sai sót trong việc lựa chọn số liệu phù hợp trong quá trình ước tính.
3.2. Thông tin tài chính phải thích hợp để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính dự đoán, phân tích và đưa ra các quyết định kinh tế.
3.3. Thông tin tài chính phải được trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu. Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể làm ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin tài chính của đơn vị báo cáo. Tính trọng yếu dựa vào bản chất và độ lớn, hoặc cả hai, của các khoản mục có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính của một đơn vị cụ thể.
3.4. Thông tin tài chính phải đảm bảo có thể kiểm chứng, kịp thời và dễ hiểu.
3.5. Thông tin tài chính phải được trình bày nhất quán và có thể so sánh giữa các kỳ kế toán; So sánh được giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau.
3.6. Các chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên Báo cáo tài chính. Doanh nghiệp được chủ động đánh lại số thứ tự của các chỉ tiêu theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần.

4. Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục
4.1. Báo cáo tài chính phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện hơn là hình thức pháp lý của các giao dịch và sự kiện đó (tôn trọng bản chất hơn hình thức).
4.2. Tài sản không được ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi; Nợ phải trả không được ghi nhận thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán.
4.3. Phân loại tài sản và nợ phải trả: Tài sản và nợ phải trả trên Báo cáo tình hình tài chính được trình bày theo tính thanh khoản giảm dần hoặc trình bày thành ngắn hạn và dài hạn. Riêng Báo cáo tình hình tài chính của doanh nghiệp siêu nhỏ được trình bày theo tính thanh khoản giảm dần.
4.4. Trường hợp Báo cáo tình hình tài chính trình bày thành ngắn hạn và dài hạn:
Trên Báo cáo tình hình tài chính, các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt thành ngắn hạn và dài hạn, tùy theo thời hạn của chu kỳ kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
a) Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh thông thường trong vòng 12 tháng, thì Tài sản và Nợ phải trả được phân thành ngắn hạn và dài hạn theo nguyên tắc sau:
- Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong vòng không quá 12 tháng tới kể từ thời điểm báo cáo được xếp vào loại ngắn hạn;
- Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán từ 12 tháng trở lên kể từ thời điểm báo cáo được xếp vào loại dài hạn.
b) Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh thông thường dài hơn 12 tháng thì Tài sản và Nợ phải trả được phân thành ngắn hạn và dài hạn theo điều kiện sau:
- Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong vòng một chu kỳ kinh doanh bình thường được xếp vào loại ngắn hạn;
- Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong thời gian dài hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường được xếp vào loại dài hạn.
Trường hợp này, doanh nghiệp phải thuyết minh rõ đặc điểm xác định chu kỳ kinh doanh thông thường, thời gian bình quân của chu kỳ kinh doanh thông thường, các bằng chứng về chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như của ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động.
c) Đối với các doanh nghiệp do tính chất hoạt động không thể dựa vào chu kỳ kinh doanh để phân biệt giữa ngắn hạn và dài hạn, thì các Tài sản và Nợ phải trả được trình bày như điểm a mục này.
4.5. Tài sản và nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt. Chỉ thực hiện bù trừ khi tài sản và nợ phải trả liên quan đến cùng một đối tượng, phát sinh từ các giao dịch và sự kiện cùng loại.
4.6. Các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí phải được trình bày theo nguyên tắc phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí và luồng tiền của kỳ báo cáo. Các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí của các kỳ trước có sai sót làm ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền phải được điều chỉnh hồi tố bằng cách báo cáo lại trên cột thông tin so sánh, không điều chỉnh vào kỳ báo cáo. Riêng doanh nghiệp siêu nhỏ được điều chỉnh sai sót của các kỳ trước vào kỳ phát hiện sai sót.

5. Nguyên tắc lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục
5.1. Khi lập và trình bày Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải xem xét giả định về sự hoạt động liên tục. Doanh nghiệp bị coi là không hoạt động liên tục nếu hết thời hạn hoạt động mà không có hồ sơ xin gia hạn hoạt động, bị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động (phải có văn bản cụ thể gửi cơ quan có thẩm quyền) trong vòng không quá 12 tháng kể từ thời điểm lập Báo cáo tài chính. Đối với doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường hơn 12 tháng thì không quá một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường.
5.2. Trong một số trường hợp sau doanh nghiệp vẫn được coi là hoạt động liên tục:
- Việc thay đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, thay đổi loại hình doanh nghiệp, ví dụ chuyển một công ty TNHH thành công ty cổ phần hoặc ngược lại;
- Việc chuyển một đơn vị có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập thành một đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc hoặc ngược lại (ví dụ chuyển một công ty con thành một chi nhánh hoặc ngược lại) vẫn được coi là hoạt động liên tục.
5.3. Khi không đáp ứng giả định hoạt động liên tục, doanh nghiệp vẫn phải trình bày đủ các Báo cáo tài chính và ghi rõ là:
- Báo cáo tình hình tài chính áp dụng cho doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục và được trình bày theo Mẫu B01 - DNNKLT;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được trình bày theo mẫu B02 - DNN và B03 - DNN đáp ứng giả định hoạt động liên tục;
- Thuyết minh Báo cáo tài chính áp dụng cho doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục và được trình bày theo Mẫu B09 - DNNKLT.
5.4. Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp không phải phân loại tài sản và nợ phải trả thành ngắn hạn và dài hạn mà trình bày theo tính thanh khoản giảm dần.
5.5. Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp phải đánh giá lại toàn bộ tài sản và nợ phải trả trừ trường hợp có một bên thứ ba kế thừa quyền đối với tài sản hoặc nghĩa vụ đối với nợ phải trả theo giá trị sổ sách. Doanh nghiệp phải ghi nhận vào sổ kế toán theo giá đánh giá lại trước khi lập Báo cáo tình hình tài chính.
5.5.1. Doanh nghiệp không phải đánh giá lại tài sản, nợ phải trả nếu bên thứ ba kế thừa quyền đối với tài sản hoặc nghĩa vụ đối với nợ phải trả trong một số trường hợp cụ thể như sau:
a) Trường hợp một đơn vị sáp nhập vào đơn vị khác, nếu đơn vị nhận sáp nhập cam kết kế thừa mọi quyền và nghĩa vụ của đơn vị bị sáp nhập theo giá trị sổ sách;
b) Trường hợp một đơn vị chia thành các đơn vị khác, nếu đơn vị sau khi chia cam kết kế thừa mọi quyền và nghĩa vụ của đơn vị bị chia theo giá trị sổ sách;
c) Từng khoản mục tài sản cụ thể được một bên khác cam kết, bảo lãnh thu hồi cho đơn vị bị giải thể theo giá trị sổ sách và việc thu hồi diễn ra trước thời điểm đơn vị chính thức ngừng hoạt động;
d) Từng khoản mục nợ phải trả cụ thể được một bên thứ ba cam kết, bảo lãnh thanh toán cho đơn vị bị giải thể và đơn vị bị giải thể chỉ có nghĩa vụ thanh toán lại cho bên thứ ba đó theo giá trị sổ sách;
5.5.2. Việc đánh giá lại được thực hiện đối với từng loại tài sản và nợ phải trả theo nguyên tắc:
(a) Đối với tài sản:
- Hàng tồn kho được đánh giá theo giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được tại thời điểm báo cáo;
- TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, bất động sản đầu tư được đánh giá theo giá thấp hơn giữa giá trị còn lại và giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo (là giá thanh lý trừ các chi phí thanh lý ước tính). Đối với TSCĐ thuê tài chính nếu có điều khoản bắt buộc phải mua lại thì đánh giá lại tương tự như TSCĐ của doanh nghiệp, nếu được trả lại cho bên cho thuê thì đánh giá lại theo số nợ thuê tài chính còn phải trả cho bên cho thuê;
- Chi phí xây dựng cơ bản dở dang được đánh giá theo giá thấp hơn giữa giá trị ghi sổ và giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo (là giá thanh lý trừ chi phí thanh lý ước tính);
- Chứng khoán kinh doanh được đánh giá theo giá trị hợp lý. Giá trị hợp lý của chứng khoán niêm yết hoặc chứng khoán trên sàn UPCOM được xác định là giá đóng cửa của phiên giao dịch tại ngày báo cáo (hoặc phiên trước liền kề nếu thị trường không giao dịch vào ngày báo cáo);
- Các khoản đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác được ghi nhận theo giá thấp hơn giữa giá trị ghi sổ và giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo (giá có thể bán trừ chi phí bán ước tính);
- Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, các khoản phải thu được đánh giá theo số thực tế có thể thu hồi.
b) Đối với nợ phải trả: Trường hợp có sự thỏa thuận giữa các bên bằng văn bản về số phải trả thì đánh giá lại theo số thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể thực hiện như sau:
- Nợ phải trả bằng tiền được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ khoản nợ phải trả và giá trị khoản nợ trả trước thời hạn theo quy định của hợp đồng;
- Nợ phải trả bằng tài sản tài chính được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ phải trả và giá trị hợp lý của tài sản tài chính đó tại thời điểm báo cáo;
- Nợ phải trả bằng hàng tồn kho được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ khoản nợ phải trả và giá mua (cộng các chi phí liên quan trực tiếp) hoặc giá thành sản xuất hàng tồn kho tại thời điểm báo cáo;
- Nợ phải trả bằng TSCĐ được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ nợ phải trả và giá mua (cộng các chi phí liên quan trực tiếp) hoặc giá trị còn lại của TSCĐ tại thời điểm báo cáo.
c) Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được đánh giá lại theo tỷ giá chuyển khoản trung bình cuối kỳ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm báo cáo như doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục.
5.6. Phương pháp kế toán một số khoản mục tài sản khi doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục:
a) Việc trích lập dự phòng hoặc đánh giá tổn thất tài sản được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của tài sản, không thực hiện trích lập dự phòng trên TK 229 - “Dự phòng tổn thất tài sản”;
b) Việc tính khấu hao hoặc ghi nhận tổn thất của TSCĐ, Bất động sản đầu tư được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của tài sản, không sử dụng TK 214 để phản ánh hao mòn lũy kế.
5.7. Khi giả định hoạt động liên tục không còn phù hợp, doanh nghiệp phải xử lý một số vấn đề tài chính sau:
- Thực hiện trích trước vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh đối với các khoản lỗ dự kiến phát sinh trong tương lai nếu khả năng phát sinh khoản lỗ là tương đối chắc chắn và giá trị khoản lỗ được ước tính một cách đáng tin cậy; Ghi nhận nghĩa vụ hiện tại đối với các khoản phải trả kể cả trong trường hợp chưa có đầy đủ hồ sơ tài liệu (như biên bản nghiệm thu khối lượng của nhà thầu..) nhưng chắc chắn phải thanh toán;
- Đối với khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái đang phản ánh lũy kế trên Báo cáo tình hình tài chính (như chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc chuyển đổi báo cáo tài chính sang Đồng Việt Nam), doanh nghiệp kết chuyển toàn bộ vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ);
- Các khoản chi phí trả trước chưa phân bổ hết như lợi thế thương mại phát sinh từ hợp nhất kinh doanh không dẫn đến quan hệ công ty mẹ - công ty con, công cụ dụng cụ xuất dùng, chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí trong giai đoạn triển khai… được ghi giảm toàn bộ để tính vào chi phí trong kỳ. Riêng chi phí trả trước liên quan đến việc thuê tài sản, trả trước lãi vay được tính toán và phân bổ để phù hợp với thời gian trả trước thực tế còn lại cho đến khi chính thức dừng hoạt động;
- Các khoản chênh lệch lãi, lỗ khi đánh giá lại tài sản và nợ phải trả sau khi bù trừ với số dự phòng đã trích lập (nếu có) được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính, thu nhập khác hoặc chi phí tài chính, chi phí khác tùy từng khoản mục cụ thể tương tự như việc ghi nhận của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục.
5.8. Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp phải thuyết minh chi tiết về khả năng tạo tiền và thanh toán nợ phải trả, vốn chủ sở hữu cho các cổ đông và giải thích lý do về sự không so sánh được giữa thông tin của kỳ báo cáo và thông tin kỳ so sánh, cụ thể:
- Số tiền có khả năng thu hồi từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản, thu hồi nợ phải thu;
- Khả năng thanh toán nợ phải trả theo thứ tự ưu tiên, như khả năng trả nợ ngân sách Nhà nước, trả nợ người lao động, trả nợ vay, nợ nhà cung cấp;
- Khả năng thanh toán cho chủ sở hữu, đối với công ty cổ phần cần công bố rõ khả năng mỗi cổ phiếu sẽ nhận được bao nhiêu tiền;
- Thời gian tiến hành thanh toán các khoản nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
- Lý do không so sánh được thông tin kỳ báo cáo và kỳ so sánh: Do kỳ trước doanh nghiệp trình bày Báo cáo tài chính dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Do doanh nghiệp chuẩn bị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (ghi rõ tên cơ quan, số quyết định) hoặc do Ban giám đốc có dự định theo văn bản (số, ngày, tháng, năm) nên Báo cáo tài chính trong kỳ báo cáo được trình bày theo nguyên tắc kế toán khác (không đáp ứng giả định hoạt động liên tục).

6. Nguyên tắc lập và trình bày báo cáo tài chính khi thay đổi kỳ kế toán
Khi thay đổi kỳ kế toán, ví dụ đổi kỳ kế toán từ năm dương lịch sang kỳ kế toán khác năm dương lịch, doanh nghiệp phải tiến hành khóa sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:
6.1. Việc thay đổi kỳ kế toán phải tuân thủ theo quy định của Luật Kế toán. Khi thay đổi kỳ kế toán năm, kế toán phải lập riêng Báo cáo tài chính cho giai đoạn giữa 2 kỳ kế toán của năm tài chính cũ và năm tài chính mới.
Ví dụ: Doanh nghiệp có kỳ kế toán năm 2014 theo năm dương lịch. Năm 2015, doanh nghiệp chuyển sang áp dụng kỳ kế toán năm bắt đầu từ 1/4 năm trước đến 31/3 năm sau thì doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính cho giai đoạn từ 1/1/2015 đến 31/3/2015.
6.2. Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của kỳ kế toán trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số dư đầu kỳ của kỳ kế toán mới và được trình bày trong cột “Số đầu năm”.
6.3. Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Số liệu kể từ thời điểm thay đổi kỳ kế toán đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên được trình bày trong cột “Kỳ này”, cột “kỳ trước” trình bày số liệu của 12 tháng trước tương đương với kỳ kế toán năm hiện tại.
Ví dụ: Tiếp theo ví dụ trên, khi trình bày cột “Kỳ trước” trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bắt đầu từ ngày 1/4/2015 và kết thúc ngày 31/3/2016, doanh nghiệp phải trình bày số liệu của giai đoạn từ 1/4/2014 đến 31/3/2015.

7. Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính khi chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu doanh nghiệp
Khi chuyển đổi hình thức sở hữu, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phải tiến hành khóa sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Trong kỳ kế toán đầu tiên sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp phải ghi sổ kế toán và trình bày báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:
7.1. Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của doanh nghiệp cũ được ghi nhận là số dư đầu kỳ trên sổ kế toán của doanh nghiệp mới.
7.2. Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu kế thừa của doanh nghiệp cũ trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số dư đầu kỳ của doanh nghiệp mới và được trình bày trong cột “Số đầu năm”.
7.3. Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Số liệu kể từ thời điểm chuyển đổi đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên được trình bày trong cột “Kỳ này”, cột “Kỳ trước” trình bày số liệu cột “Kỳ này” của Báo cáo kỳ trước liền kề. Doanh nghiệp phải trình bày trên thuyết minh báo cáo tài chính về lý do dẫn đến số liệu ở cột “kỳ trước” không có khả năng so sánh được với số liệu ở cột “kỳ này” (nếu có).

8. Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp
8.1. Đơn vị kế toán bị chia, bị tách, hợp nhất thành đơn vị kế toán mới phải thực hiện các công việc kế toán theo quy định của Luật kế toán. Đơn vị kế toán mới thực hiện công việc kế toán cho kỳ kế toán đầu tiên theo nguyên tắc sau:
- Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của đơn vị kế toán bị chia, bị tách, hợp nhất chuyển sang được ghi nhận là số phát sinh của đơn vị kế toán mới.
- Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Cột “Số đầu năm” của đơn vị kế toán mới không có số liệu và phải trình bày rõ vấn đề này trong thuyết minh báo cáo tài chính.
- Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Chỉ trình bày số liệu kể từ thời điểm bị chia, bị tách, hợp nhất đến cuối kỳ báo cáo vào cột “Kỳ này”. Cột “Kỳ trước” không có số liệu và phải trình bày rõ vấn đề này trong thuyết minh báo cáo tài chính.
8.2. Khi sáp nhập đơn vị kế toán thì đơn vị kế toán nhận sáp nhập phải thực hiện các công việc kế toán theo quy định của Luật kế toán. Đơn vị kế toán nhận sáp nhập thực hiện công việc kế toán theo nguyên tắc:
- Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của đơn vị kế toán bị sáp nhập được ghi nhận là số phát sinh trong kỳ của đơn vị nhận sáp nhập. Số dư đầu kỳ của đơn vị kế toán nhận sáp nhập vẫn giữ nguyên.
- Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của đơn vị kế toán bị sáp nhập chuyển sang được tổng hợp và trình bày trong cột “Số cuối năm” của đơn vị kế toán nhận sáp nhập. Cột “Số đầu năm” của đơn vị kế toán nhận sáp nhập vẫn giữ nguyên.
- Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Toàn bộ số liệu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của đơn vị bị sáp nhập được tổng hợp trong cột “Kỳ này” của đơn vị nhận sáp nhập và phải thuyết minh trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

9.Đồng tiền sử dụng để lập báo cáo tài chính khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam
9.1. Báo cáo tài chính được sử dụng để công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam phải được trình bày bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp lập Báo cáo tài chính bằng đồng ngoại tệ thì phải chuyển đổi Báo cáo tài chính ra Đồng Việt Nam và khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam thì báo cáo tài chính bằng Đồng Việt Nam phải được đính kèm báo cáo tài chính bằng đồng ngoại tệ. Báo cáo tài chính dùng để xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
9.2. Phương pháp chuyển đổi Báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam để công bố thông tin ra công chúng và nộp các cơ quan quản lý Nhà nước:
a) Khi chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam, kế toán phải quy đổi các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:
- Tài sản và nợ phải trả được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá chuyển khoản trung bình cuối kỳ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch;
- Vốn chủ sở hữu (vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác) được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày góp vốn;
- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được quy đổi ra Đồng Việt Nam bằng cách tính toán theo các khoản mục của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Lợi nhuận, cổ tức đã trả được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày phải trả lợi nhuận, cổ tức;
- Các khoản mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch hoặc tỷ giá chuyển khoản trung bình năm (trường hợp nếu tỷ giá trung bình xấp xỉ với tỷ giá giao dịch thực tế).
b) Phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi Báo cáo tài chính sang Đồng Việt Nam.
Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi chuyển đổi Báo cáo tài chính sang Đồng Việt Nam được ghi nhận trên chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” - Thuộc phần vốn chủ sở hữu của Báo cáo tình hình tài chính.

10. Nguyên tắc lập Báo cáo tài chính khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán
10.1. Khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, tại kỳ đầu tiên kể từ khi thay đổi, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư sổ kế toán sang đơn vị tiền tệ kế toán mới theo tỷ giá chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán.
10.2. Khi trình bày thông tin so sánh (cột kỳ trước) trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của kỳ có sự thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, đơn vị áp dụng tỷ giá chuyển khoản trung bình kỳ trước liền kề với kỳ thay đổi.
10.3. Khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, doanh nghiệp phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh báo cáo tài chính lý do thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán và những ảnh hưởng (nếu có) đối với báo cáo tài chính do việc thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán.

11. Trách nhiệm, thời hạn lập và gửi báo cáo tài chính
11.1. Trách nhiệm, thời hạn lập và gửi báo cáo tài chính:
a)
Tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.
b) Ngoài việc lập báo cáo tài chính năm, các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính hàng tháng, quý để phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
11.2. Nơi nhận báo cáo tài chính năm được quy định như sau:
Các doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính năm cho cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan Thống kê.
Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì ngoài việc nộp Báo cáo tài chính năm cho các cơ quan theo quy định (Cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thống kê) còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu.

Bình chọn bài viết
Xem kết quả: / 16 số bình chọn
Bình thường Tuyệt vời
Chia sẻ bạn bè
Giảm giá 30% học phí khóa học thực hành kế toán online
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Cách chuyển số dư đầu kỳ theo thông tư 133/2016/TT-BTC
Hướng dẫn cách chuyển số dư đầu kỳ tài khoản kế toán khi chuyển từ quyết định 48/2006/QĐ-BTC sang áp dụng hệ t...
Cách lập báo cáo tình hình tài chính theo mẫu của thông tư 133
Hướng dẫn cách lập báo cáo tình hình tài chính theo Mẫu B01a - DNN ban hành theo thông tư 133/2016/TT-BTC
Mẫu B01b - DNN - Trình bày báo cáo tình hình tài chính thành ngắn hạn và dài hạn
Hướng dẫn cách lập và trình bày báo cáo tình hình tài chính - Mẫu số B01b - DNN theo thông tư 133/2016/TT-BTC....
Các hình thức ghi sổ kế toán theo Thông tư 133
Các hình thức sổ kế toán theo thông tư 133/2016/TT-BTC gồm có: Hình thức kế toán Nhật ký chung, Hình thức kế ...
Cách lập báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo TT 133
Hướng dẫn cách lập báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh - Mẫu B02 - DNN theo thông tư 133/2016/TT-BTC...
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp theo TT 133
Cách lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương phái trực tiếp - Mẫu số B03 - DNN theo thông tư 133/2016/TT-BT...
Hotline : 0987 026 515
.
Email: ketoanthienung@gmail.com
Giới thiệu về thiên ưng
Đang trực tuyến: 118
Tổng truy cập: 124.375.031

KẾ TOÁN THIÊN ƯNG

Hotline: 0987 026 515

Email: hotroketoan68@gmail.com

KẾ TOÁN THIÊN ƯNG DMCA.com
HÀ NỘI: Có 5 cơ sở
CS1:  Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội. 
CS2:  Định Công - Phương Liệt - Thanh Xuân - Hà Nội
CS3: Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
CS4: Nguyễn Văn Linh - Sài Đồng - Long Biên
CS5: Trần Phú - Mộ Lao - Hà Đông - Hà Nội. 
 
HỒ CHÍ MINH: Có 2 cơ sở
CS6:  Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP. HCM
CS7:  Phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TP. HCM
   

 
 
Giảm giá 30% học phí khóa học thực hành kế toán online
Giảm giá 30% học phí khóa học thực hành kế toán online
Công ty kế toán Thiên Ưng - thương hiệu tin dùng
[X] Đóng lại













chương trình khuyến mại